CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BẢY TUẦN II MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Mc 3,20-21
Noel Quesson - Chú Giải
Bài đọc I: NĂM LẺ: Dt 9,2 - 3.11 – 14.
Con Chúa Kitô xuất hiện như vị thượng tế của mọi tốt lành tương lai.
Công thức lạ lùng?
Chúa Giêsu “vị thượng tế của mọi tốt lành”.
Không cần giải thích gì. Chỉ cần nếm thử lâu dài phận vụ tư tế của Chúa Giêsu. Người muốn chúng ta được hạnh phúc..Người làm việc đó. Người đã hiến trọn đời mình. Và hạnh phúc toàn vẹn và dư tràn đó đang thành hình. Hạnh phúc “đang đến"!
Người đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn không phải do tay người phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này.
Am chỉ tới nơi cực thánh, phần cung thánh sâu kín nhất của Đền thờ (người ta gọi là "nhà tạm" hay “lều tạm, nơi mà vị thượng tế Do thái bước vào một lần mỗi năm trong khi dân chúng cử hành đại lễ xá tội kip-pu.
Chính Chúa Giêsu đã nói: “Hãy phá đền thờ này đi, và Ta sẽ xây dựng một Đền thờ khác do tay người thế làm nên". (Mc 14,58). Đàng khác, khi Chúa Giêsu chịu chết, các thánh sử cho thấy màn trong đền thờ xé ra (Mc 15 ,37) để quả quyết rằng nơi cực thánh đã bị phá hủy, từ nay, nơi chúng ta tiến đến cùng Thiên Chúa, chính là thân mình Đức Kitô... cung thánh rộng rãi và hoàn hảo hơn cung thánh cũ do chính Thiên Chúa thiết lập.
Người vào cung thánh chỉ một lần.
Và Người hướng dẫn chúng ta vào đó với Người. Bởi vì Chúa Giêsu không chỉ là “đường về trời " như người ta thường nói, mà người là trời đã được thực hiện. Người đã cho chúng ta sống lại, và cho ta cùng ngồi trên trời" (Ep 2,9). Phải, trời đã khởi đầu, trong mức độ chúng ta sống trong Thân Thể Đức Kitô, từ dưới đất này.
Không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Người.
Chủ đề về "máu” rất, quan trọng trong thư này chúng ta khó cảm nghiện được ý biểu trưng hàm chứa- trong đó, vì không có dịp tham dự vào một "nghi thức tế hiến" nay vẫn còn trong một vài tôn giáo. Người ta cắt "cổ một con vật để kính một vị thần, và thông hiệp với linh thánh bằng việc bôi máu nóng trên tay, trên mặt, trên bục của nhà ở.
Máu là biểu tượng của “sự Sống". Một mình Thiên Chúa có quyền trên sự sống.
Trong nhiều nền văn minh có liên hệ trực tiếp với thiên nhiên hơn chúng ta, cấm không được uống máu. Đối với người Do thái, máu là thánh (Lv 1,11; 14) (Dnt 12,23) và máu chỉ được dùng làm “hiến lễ dâng cho Thiên Chúa”. Như thế trong kinh thánh mỗi lần đề cập đến máu, chúng ta có thể thay thế từ này bằng từ “sự sống được tiến dâng".
Khi Chúa Giêsu dâng máu Người trên Thánh giá, đây chỉ là một nghĩa cử bên ngoài và hữu hình, diễn tả lễ dâng nội tâm Người thực hiện bằng sự sống mình... khi Người ban máu huyết mình cho chúng ta lúc rước lễ, đó là dấu cụ thể bên ngoài tả việc Người ban ,sự sống mình cho chúng ta.
Người đem lại ơn cứu độ muôn đời. Vì nếu máu dê bò mà người ta rảy trên kẻ Ô uế, còn thánh hóa thân xác được nên trong sạch, huống chi máu của Đức Kitô, Đấng đã nhờ Thánh thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa, máu đó sẽ tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống.
Chúa Giêsu tự hiến. Người tế hiến không phải sự sống của người khác, mà của mình. Như thế Người nên chứng tích Tình yêu đối với Thiên Chúa và với mọi người!
Và Người kéo chúng ta vào lễ tiến dâng của Người, để đến lượt mình, chúng ta hiến đời sống cho việc phụng thờ thiêng liêng.
Bài đọc II:
NĂM CHẴN: 2 Sm 1,1 - 4; 11 - 12; 19; 23 - 27
Tang chế.... niềm đau xót của Đa vít.
Người ta đến báo tin cho Đa vít hay, vua Sao-lê, cũng như thái tử Gionathan, đã tử trận trên núi đồi Gil-loa. Dù gặp biết bao khốn khổ do Sao-lê gây nên cho mình, nhưng Đavít đã hết sức xúc động trước cái chết của vua. Thay vì phải vui mừng trước sự kiện đó (giờ đây Đavít sắp cầm quân cai trị thay thế Sao-lê). Chàng lại cất lên bài ca khóc thương hai cha con Sao-lê.
Đavít liền xé áo mình ra, các người hầu cận của ông cũng làm như thế. Tất cả đều than vãn khóc lóc và ăn chay cho tới chiều, để chịu tang vua Sao-lê và thái tử gionathan.
Kinh thánh là một tấm gương phản chiếu nhân loại.
Mọi tình cảm đích thực của con người đều phản ánh trong đó.
Không cần phải đặt trong ngoặc một số trạng huống thuộc đời sống chúng ta. Toàn diện đời sống ta cần phải được diễn tiến và bày tỏ trước Thiên Chúa, kể cả vui mừng cũng như tang chế.
Lạy Chúa, chúng con xin dâng lên Chúa đời sống chúng con. Lạy Chúa, chúng con xin trao gửi cho Chúa những khổ cực của chúng con. Lạy Chúa, xin nhìn đến những giọt lệ và những lo lắng của chúng con.
Lạy Chúa, xin lắng nghe những tiếng kêu than của những người đang đau khổ. Lạy Chúa, xin đừng bịt tai trước những than vãn của những người ly cách.
Khi Đức Giêsu đến mộ ông La-đa-rô, Người khóc thương… lúc đó những người Do thái nói: “Kìa xem, ông ta thương anh. La-da-rô biết bao!”
Đavit thương Gionathan và đã khóc bạn mình chết.
Đức Giêsu yêu La-da-rô, Mác-ta và Maria. Người đã khóc thương bạn mình chết.
Đó là lòng nhân ái thâm sâu của Thiên Chúa. Lạy Chúa con không thấy xấu hổ khi khóc than trước Chúa. Chúa biết rõ điều đó.
Lạy Chúa, xin ban cho những người quá cố của chúng con được nghỉ yên muôn đời.
Cớ sao các anh hùng bị ngã gục như thế.
Đối với Đa vít, Sao-lê vẫn là Người được xức dầu” của Thiên Chúa, là Đức vua được Thiên Chúa xức dầu tấn phong. Và chàng cảm thấy vô cùng khó chịu vì một người được Thiên Chúa tuyển chọn mà lại gặp một số phận hẩm hiu như thế . Câu hỏi nêu lên, vẫn chưa được giải đáp.
Sao họ lại gục ngã như thế? Cái chết luôn làm chúng ta lúng túng.
Cần phải mất nhiều thế kỷ để nhân loại sau này nhận ra nơi Đức Giêsu:
Việc Thiên Chúa xức dầu, dấu chỉ của sự Người tuyển chọn không thể đảo ngược…
Và cái chết nên cớ vấp phạm, dấu chỉ của thân phận con người…
Nhưng chỉ sự phục sin mới có thể giải đáp trọn vẹn.
“Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau.” Đó là lời tuyên xưng cuối cùng trong kinh Tin Kính, và là giải đáp cuối cùng của Thiên Chúa cho các vấn nạn của ta.
Đức Giêsu nói: "Mọi sự đã hoàn tất... rồi Người gục đầu xuống và trút hơi thở.
Trong mỗi Thánh lễ, lạy Chúa Giêsu chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết, và chúng con tuyên xưng việc Chúa sống lại chúng con trông đợi Chúa lại đến trong vinh quang.”
Lạy Chút, nhờ mầu nhiệm sự chết và sống lại của Chúa, xin cứu giúp chúng con.
Xin giúp chúng con đừng quá lo sợ về cái chết.
Xin giúp chúng con thỉnh thoảng suy nghĩ về cái chết, không phải như một tư tưởng đen tối, nhưng như là một thực tại sẽ xảy đến... và đã muốn chia sẻ để giải thoát chúng con khỏi chết.
Làm sao anh có thể ngã, hỡi Gionathan? Tình bạn của anh đối với tôi thật là thân thiết tuyệt vời.
Chúng ta cần phải chuẩn bị để gặp lại những người thân yêu của chúng ta.
BÀI TIN MỪNG: Mc 3,20-21
Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới.
Trong thời gian đầu của đời sống công khai, ta thấy Chúa Giêsu đã xuất hiện và khơi dậy lòng nhiệt thành sùng mộ của dân chúng đơn thành.
Marcô thường diễn tả Chúa Giêsu luôn bị đám đông quấy rầy.
Đám đông! quần chúng!
Đây là một trong những đặc tính của Tin Mừng. Chúa Giêsu: không tiếp xúc với những người riêng biệt. Ngay từ đầu nhiều đám đông đã vây quanh Người. Thỉnh thoảng Người mới gặp một số ít người, để trình bày những đòi hỏi đích xác hơn, những mầu nhiệm khó chấp nhận hơn.
Còn những đám đông ngày nay... Họ làm gì? Họ ước muốn điều chi? Chúng ta có chú ý đến những phong trào tập thể lớn đang lôi cuốn toàn bộ những khối quần chúng không?
Đến nổi Người không dùng bữa được.
Chúa Giêsu, đã tận hiến trọn vẹn cho tác vụ.
Chúa Giêsu, bị công tác truyền giáo thu hút.
Chúa Giêsu không có giờ dùng bữa.
Chúa Giêsu, con người bị đám đông “ăn”.
Chúa Giêsu không còn giờ để nghĩ đến mình. Người bận bịu tối mặt.
Tôi suy nghĩ lâu hơn về điều này.
Chúng ta đang than phiền không có thời giờ để làm điều này, điều kia. Và đôi khi ta tưởng rằng, đo là một đặc điểm của thế kỷ XX chúng ta.
Thế mà, Chúa Giêsu đã sống như thế đó, làm việc quá sức, chạy qua với thời gian, khi mà ta không thể làm những điều phải thi hành được nữa, khi mà ta cảm thấy tràn ngập những công việc và lo toan.
Lạy Chúa, xin cám ơn Chúa vì đã cảm nghiệm cuộc sống của thân phận con người chúng con.
Xin giúp Chúng con biết điều hành công việc, biết giữ được quân bình, biết sắp xếp thời giờ để làm những việc cốt yếu.
Chẳng hạn biết tìm kiếm thời giờ... để cầu nguyện .
Những thân nhân của Người hay tin đó, liến đi bắt Người, vì họ nói: "Người đã mất trí".
Trong gia đình với nhau, người ta thường nói: nó điên rồi!
Chắc chắn, hình ảnh của Người lúc này khác hẳn với hình ảnh Người sống yên tĩnh nơi làng quê trong ba mươi năm trước. “Ông ta sẽ gây rắc rối cho chúng ta đây. Ta có nguy cơ bị nhà chức trách trả thù. Nếu sự việc cứ còn rối beng như thế này, thiệt hại rồi lại lan cả sang chúng ta mất thôi!
Các thân nhân Người quá biết, những người biệt phái và Hêrôđê đã bắt đầu cấu kết với nhau tìm cách tiêu diệt Người. .
Vì thế, những kẻ “chống đối" Chúa Giêsu gồm hai loại:
Trước tiên, đó là thân nhân họ hàng Người (Mc 3,20-21). Họ muốn triệu hồi, bắt Người về.
Rồi đến các luật sĩ (Mc 3,22-30). Họ tố cáo Người là bị quỷ ám.
Lập tức, Chúa Giêsu cải chính thân nhân, gia đình đích thực của Người không phải liên hệ theo huyết tộc, nhưng trong Đức tin (Mc 3,3-35).
Ta thường phản ứng thế nào, khi nhận thấy một vài phần tử trong cộng đoàn chúng ta có thái độ hơi dấn thân, liều mạng? Chúng ta cũng không thường gọi một vài quyết định mang tính dự kiến của Giáo hội hôm nay là phi lý ấy sao? Trong sự biến đổi lớn lao của thế giới, không cần vừa giữ vẻ điềm đạm... vừa phải hành động điên rồ một chút hay sao?
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Các thân nhân cản trở Chúa.
HOÀN CẢNH:
Trong khi đi truyền giáo, dân chúng ái mộ và đến với Chúa rất đông để được nghe Chúa giảng và được Chúa chữa bệnh hoạn tật nguyền. Những người ngoài đến với Chúa là vậy, nhưng những bà con thân thuộc thì ngược lại : họ không tin sứ mệnh của Chúa, họ không tán thành việc Chúa làm và không nghe lời Chúa giảng, vì thế họ có lời cản trở công việc của Chúa.
Ý CHÍNH:
Đoạn Tin Mừng hôm nay ghi lại sự việc các thân nhân của Chúa cản trở công việc truyền giáo của Chúa vì họ cho rằng Người mất trí.
TÌM HIỂU:
20 “Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến …”:
Qua câu này Thánh sử Mác-cô muốn trình bày cho chúng ta thấy rằng:
- Trong thời gian đầu của đời sống công khai, Đức Giê-su đã khơi dậy lòng nhiệt thành sùng mộ của đông đảo quần chúng.
- Đức Giê-su phục vụ cách vị tha và vô vị lợi, vì Chúa hoạt động nơi hội đường (3,1-5), ở ngoài trời (3,7-12), và ở đây ngay tại nhà (3,20-21); chứng tỏ:
+ Chúa trọn vẹn cho tác vụ.
+ Chúa miệt mài với công việc bổn phận.
+ Chúa không còn giờ để nghĩ đến mình và không có giờ dùng bữa.
21 “Thân nhân của Người hay tin ấy … “:
Những hoạt động của Chúa và lòng nhiệt thành ái mộ của quần chúng đối với Chúa vang dội đến thân nhân của Người. Khiến họ đi bắt Người.
- Kiểu nói: “đi bắt Người”: vì tình cảm ruột thịt đối với Chúa nên thân nhân đã muốn bắt nhốt Chúa một nơi để tránh những mưu toan hãm hại của kẻ thù và tránh những biện pháp chính trị có thể liên quan đến họ, vì chính quyền cũng như giáo quyền nhìn Chúa Giê-su như một tên cách mạng nguy hiểm.
- Kiểu nói: “Người đã mất trí”: có nghĩa là một kẻ phấn khởi cuồng nhiệt, có thể đi đến chỗ làm những việc ngoại thường, động trời và như vậy sẽ gây tai hại!
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
1. Nhìn vào Chúa Giê-su:
a) Chúa Giê-su đã trở thành con người đã ra khỏi cái tôi, không còn sống cho mình nữa, để tận tụy sống cho tha nhân.
Ngày sống của Người từ sáng tới chiều dồn vào việc phục vụ quần chúng. Bất kỳ lúc nào họ tìm đến, Người cũng sẵn sàng tiếp nhận và giúp đỡ.
Người để cho quần chúng quấy rầy, xâu xé đến nỗi chẳng còn giờ mà ăn uống.
Người trở thành con người của mọi người.
b) Dân chúng thì thích thú đến nghe Chúa giảng dạy và vui mừng vì được Chúa chữa trị bệnh hoạn tật nguyền; nhưng những thân nhân của Chúa thì có thái độ ngược lại: họ không tin sứ mệnh của Người, không tán thành những công việc Người làm. Lời giảng dạy khôn ngoan của Người, họ cho là chuyện nói sảng. Vì thế họ toan tính đến bắt giam Người để cản trở công việc của Người.
Chúa bị chống đối bởi kẻ thù bên ngoài là các kinh sư và biệt phái, Chúa còn bị chống đối bởi chính những người thân của Chúa nữa.
Người tông đồ gặp khó khăn do người bên ngoài, nhưng cũng gặp khó khăn do cả những người thân và cộng đoàn của mình nữa.
2. Nhìn vào thái độ của thân nhân của Chúa:
- Họ đi bắt Chúa vì họ sợ bị liên lụy về phương diện chính trị.
Chúng ta thường có những ý nghĩ, lời nói, việc làm dèm pha hoặc cản trở những thành phần nhiệt thành với công việc tông đồ, hăng say xây dựng Hội Thánh, bị mất mát, bị thiệt thòi về vật chất, về phẩm giá, về cuộc sống, nhất là trong những lúc gặp thử thách, bách hại.
- Họ nói rằng “Người mất trí”: Thân nhân không tin vào sứ mệnh của Chúa và không nhận ra ý nghĩa công việc của Chúa làm, nên gán cho Chúa là người cuồng nhiệt, bất thường và mất trí. Với cái nhìn hẹp hòi và ích kỷ của bản thân như vậy nên họ không bắt gặp con tim của Chúa, khiến họ đã không đồng tình và cộng tác với Chúa.